Trung tâm Hà Nội, Việt Nam: Quốc gia đã kiềm chế thành công cả COVID-19 lẫn tác động tổn hại về mặt kinh tế của đại dịch. (Ảnh: Minh Lưu & AA+Photography trên Unsplash)

Trung tâm Hà Nội, Việt Nam: Quốc gia đã kiềm chế thành công cả COVID-19 lẫn tác động tổn hại về mặt kinh tế của đại dịch. (Ảnh: Minh Lưu & AA+Photography trên Unsplash)

VIỆT NAM: CHÈO LÁI VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH THÀNH CÔNG

Ngày 15 Tháng Ba, 2021

Bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được khả năng chống chịu, tăng trưởng 2,9% trong năm 2020—một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới—và được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, nhờ các yếu tố nền tảng kinh tế vững mạnh, các biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt, và sự hỗ trợ đúng trọng tâm của chính phủ, theo đánh giá hàng năm gần đây nhất của IMF về tình hình kinh tế quốc gia.

Trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách cần hạn chế tình trạng tổn thương thành sẹo vĩnh viễn của nền kinh tế, hỗ trợ cho sự phục hồi mạnh mẽ, đồng thời chuẩn bị điều kiện cho những cải cách nhằm thúc đẩy năng suất và giảm tình trạng nhị nguyên trong nền kinh tế.

Các biểu đồ dưới đây minh hoạ kinh nghiệm của Việt Nam trong đại dịch và những ưu tiên chính sách trong thời gian tới.

  • Đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng Việt Nam đã tiến hành những biện pháp quyết liệt để hạn chế hậu quả cả về y tế lẫn kinh tế.  Việc nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát—kết hợp với truy vết tiếp xúc quyết liệt, xét nghiệm có trọng điểm, và cách ly các trường hợp nghi nhiễm COVID-19—đã góp phần giữ tỷ lệ nhiễm và tử vong tính theo đầu người ở mức thấp đáng kể. Sự kiểm soát thành công dịch, cùng với sự hỗ trợ chính sách vĩ mô kịp thời, cũng đã giúp hạn chế hậu quả tiêu cực về mặt kinh tế và hạn chế quy mô gói hỗ trợ chính sách. Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới, nhờ vào sự hồi phục sớm của các hoạt động kinh tế trong nước và kết quả tốt trong xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao do người dân trên toàn cầu làm việc tại nhà.
     
  • Việt Nam bước vào đại dịch với những nền tảng kinh tế và đệm chính sách vững mạnh, mặc dù một số thách thức về mặt cơ cấu kinh tế vẫn cần được khắc phục.   Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới kinh tế theo định hướng thị trường vào năm 1986, Việt Nam đã vươn lên từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình thấp. Sự chuyển đổi cơ cấu từ kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế hiện đại dựa trên công nghiệp chế tạo, với vai trò dẫn dắt của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. và chủ trương “không để ai tụt lại phía sau” đã giúp nâng cao mức sống. Đầu tư nước ngoài mạnh và thặng dư cán cân vãng lai đã củng cố khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài. Sức khoẻ của hệ thống ngân hàng đã cải thiện với thanh khoản, lợi nhuận cao hơn và nợ xấu ít hơn so với trước đây, mặc dù các điểm yếu vẫn còn tồn tại. Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về củng cố tài chính công trong giai đoạn trước COVID-19. Việc tích luỹ các đệm tài khoá, kinh tế đối ngoại, và tài chính trước khi xảy ra đại dịch đã giúp Việt Nam chống chịu tốt hơn trước cú sốc. Tuy nhiên, cho dù đạt được kết quả tích cực như vậy và những cải cách cơ cấu đang diễn ra, Việt Nam vẫn còn dư địa đáng kể để thúc đẩy tăng năng suất và cải thiện khả năng chống chịu của nền kinh tế. y
     
  • Năm 2021, chính sách kinh tế vĩ mô cần tiếp tục duy trì định hướng hỗ trợ tăng trưởng để đảm bảo một sự phục hồi mạnh mẽ, bao trùm toàn diện.  Trong quý 2 năm 2020, thị trường lao động của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt khu vực phi chính thức với quy mô khá lớn song mức độ tiếp cận bảo hiểm xã hội lại hạn chế. Mặc dù việc làm phi chính thức đã phục hồi trở lại sau đó nhưng những điểm yếu của thị trường lao động vẫn tồn tại. Các chính sách trong ngắn hạn nên tập trung vào duy trì bền vững việc làm, đồng thời thúc đẩy tái phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Điều này có thể đạt được thông qua những biện pháp như trợ cấp tuyển dụng và các chính sách hỗ trợ chủ động cho thị trường lao động nhằm tạo cơ chế khuyến khích đào tạo nghề. Độ bao phủ của lưới an sinh xã hội hiện nay nên được mở rộng vĩnh viễn và hiệu quả của lưới cần được cải thiện. Qua thời gian, các chính sách nên hướng tới việc giảm tình trạng lao động phi chính thức thông qua cải thiện các kỹ năng lao động, giảm chi phí tuyển dụng/sa thải đối với lao động chính thức, cũng như khuyến khích việc chính thức hoá các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức.
     
  • ự phục hồi bền vững còn phụ thuộc vào việc bảo vệ ổn định tài chính.   Doanh nghiệp Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng với bảng cân đối kế toán tương đối yếu, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm chủ đạo trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất. COVID-19 khiến cho khả năng thanh khoản và thanh toán của họ bị suy yếu hơn nữa, làm dấy lên những quan ngại về ổn định tài chính qua dư nợ tín dụng ngân hàng. Các chính sách tiền tệ, tài khoá và khu vực tài chính mà chính phủ triển khai đã giúp giảm thiểu nguy cơ trước mắt về khả năng gia tăng mạnh phá sản doanh nghiệp và sa thải lao động hàng loạt. Các hỗ trợ đó nên tập trung có trọng điểm vào những doanh nghiệp bị mất khả năng thanh khoản song vẫn có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh cho đến khi sự phục hồi được bám rễ chắc chắn hơn. Việc tiếp tục giám sát chặt chẽ – kết hợp với những nỗ lực kịp thời nhằm xử lý các khoản vay có vấn đề và tăng cường các khuôn khổ quản lý, giám sát – sẽ giúp khắc phục các rủi ro hệ thống tài chính.
     
  • Việt Nam cần những cải cách quyết liệt hơn nữa để phát huy tối đa tiềm năng tăng trưởng lớn của mình.  Điều này đòi hỏi khắc phục các nguồn cơn gây ra tình trạng năng suất thấp còn phổ biến trong nền kinh tế. Nên ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với những cải cách hướng tới việc giảm gánh nặng tuân thủ mà doanh nghiệp phải đối mặt, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực của họ, tăng cường quản trị và tiếp cận công nghệ, đổi mới sáng tạo, cũng như giảm tình trạng mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động. Cải cách trong những lĩnh vực này cũng sẽ giúp Việt Nam gặt hái được lợi ích lớn hơn từ việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu đại dịch.